Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Phát huy tính tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện ở cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay

02:25 22/06/2020

Trong quá trình công tác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, muốn được như vậy cần phải tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện.

 

Tự giác của của cán bộ, đảng viên là chủ động nhận thức và hành động tích cực thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thể hiện vai trò tiền phong, gương mẫu trong cuộc sống và trong công tác.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, cán bộ, đảng viên luôn thể hiện sự tiên phong, gương mẫu về mọi mặt, nhất là tính tự giác. Tính tự giác của cán bộ, đảng viên được thể hiện ở sự tự giác học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, trong đóng góp xây dựng nội bộ Đảng, trong hoạt động xã hội… cụ thể như sau:

Một là, tính tự giác thể hiện trong học tập. Sự tự giác được thể hiện trong nhận thức về mục đích, động cơ học tập; tự giác nhận thức về những nội dung học tập; tự giác thực hiện hoạt động học tập và tự học tập. Cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; tự giác học tập để mở rộng kiến thức về mọi mặt; tự giác tìm kiếm, lựa chọn phương pháp học tập cho phù hợp để nâng cao hiệu quả tự học tập; nhằm nâng cao năng lực công tác, đổi mới phương pháp, nâng cao kỹ năng làm việc.

Hai là, tính tự giác thể hiện trong tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Tự giác thể hiện trong việc xác định trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân, Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và gia đình. Mỗi cán bộ, đảng viên đều thấy rõ đó là trách nhiệm tự thân, tự mình phải rèn luyện đạo đức cách mạng, xác định đó là nhiệm vụ không thể thoái thác, cần xác định rõ nghĩa vụ và quyền lợi trên mỗi cương vị công tác. Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện qua sự tôn trọng chính bản thân mình, thể hiện qua mối quan hệ mình với người và với việc, trong đó cần có sự tự trọng. Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của mỗi người thể hiện qua trách nhiệm với công việc được giao. Mọi công việc phải làm cho đến nơi, đến chốn, làm cho kỳ được với tinh thần “việc thiện thì nhỏ mấy, khó mấy cũng nên làm; việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh”.

Cần đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, bởi vì, trong cuộc sống thường ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải giải quyết nhiều mối quan hệ xã hội, lợi ích của tập thể, cá nhân đan xen nhau, sự chi phối tác động, những tiêu cực và tệ nạn xã hội là rất lớn, do đó, nếu không có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện sẽ rất dễ bị ngã vào vòng xoáy của những tham vọng quyền lực, lợi ích cá nhân và những cám giỗ của cuộc sống đời thường, dẫn đến vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước… Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hóa”, trong đội ngũ những người cộng sản, có nhiều người đã không ngừng trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhưng cũng đã có những người từng bước sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và thoái hóa, biến chất. Đối với những người này, sự suy thoái về đạo đức, lối sống là khởi điểm dẫn đến sự suy thoái về mọi mặt. Khi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ xuất hiện thì nhiệt huyết cách mạng và tính tích cực của họ dần giảm sút và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng bị xói mòn. Việc ngại rèn luyện, phấn đấu, lười suy nghĩ, lười học tập là nguyên nhân trực tiếp làm cho những người đó tha hóa, trở thành người lạc hậu. Khi tính cộng sản trong họ đã thay đổi thì những kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân và điều đó trở nên nguy hại cho sự nghiệp cách mạng.

Ba là, tính tự giác thể hiện trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động thực tiễn. Đó là phong cách, tác phong làm việc, có chương trình, kế hoạch, chính xác, tỉ mỉ, sâu sát, cụ thể, hiệu quả, không quan liêu, hình thức. Người cán bộ, đảng viên phải phát huy dân chủ, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, vì lợi ích của tập thể, nhân dân, đất nước để có quyết định đúng đắn kịp thời, chính xác. Thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình. Không định kiến, hẹp hòi mà phải khoan dung, đại lượng, biết xử sự có lý, có tình, giữ nguyên tắc mà không cứng nhắc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV khóa XI đã chỉ rõ: Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thế, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, phải có tinh thần tập thể, tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; phải công bằng với mọi người, công tâm, chính tâm… thì dân sẽ tin, sẽ phục và làm theo.

Để phát huy được tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong học tập, tu dường và rèn luyện, xin đề xuất một số giải pháp để cán bộ, đảng viên chủ động trong việc tự giác. Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về việc tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng công việc trong công tác chuyên môn và hoạt động thực tiễn là việc làm thường xuyên; Hai là, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bằng nhiều phương pháp khác nhau như qua sách, báo, tivi, mạng internet, dự hội thảo, tọa đàm…; Ba là, cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tự giác học tập, rèn luyện; Bốn là, phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên để khuyến khích tự giác của mỗi cá nhân; Năm là, tiếp tục đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, đề cao sự gương mẫu, tự giác của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu; Sáu là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, lành mạnh hóa môi trường xã hội./.

Tài liệu tham khảo

- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 5.

ThS. Huỳnh Thị Việt Hoa - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

các tin khác