Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang triển khai có chất lượng, hiệu quả chương trình, giáo trình Trung Cấp Lý luận Chính trị

09:40 29/06/2021

Tóm tắt: Ngày 21/01/2020, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị). Vì vậy, việc triển khai có chất lượng, hiệu quả Chương trình và giáo trình Trung cấp lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ khoá: Chương trình Trung cấp lý luận chính trị; Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị

TS. Nguyễn Hữu Thịnh -

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

Chương trình Trung cấp lý luận chính trị (LLCT) có hiệu lực từ ngày 01/5/2021, gồm 13 học phần, nghiên cứu thực tế, thi tốt nghiệp hoặc viết khoá luận tốt nghiệp. Tổng thời gian của chương trình so với chường trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính thì số tiết không thay đổi vẫn là 1.056 tiết, song kết cấu nội dung của chương trình Trung cấp LLCT lần này đã có nhiều thay đổi quan trọng như: số lượng bài giảng trong chương trình tăng từ 80 lên 95 bài, số tiết học lý thuyết và thảo luận từ 632 tiết tăng lên 844 tiết (33,5%); đặc biệt, một trong những thay đổi quan trọng của chương trình mới được đông đảo giảng viên trường chính trị đồng tình ủng hộ là kết cấu thêm nhiều chuyên đề bổ trợ mang tính thực tiễn và thời sự rất cao; tăng thời lượng và số bài của các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ 12 bài với 84 tiết tăng lên 30 bài với 264 tiết – những thay đổi có tính đột phá của chương trình mới này đã thực sự góp phần khẳng định và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, thể hiện rõ  thể hiện rõ hơn bản chất của trường Đảng cấp tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới.

Khác với trước đây, chương trình Trung cấp LLCT mới không bố trí thảo luận theo cụm bài mà lồng ghép trong nội dung từng bài giảng. Trong phạm vi mỗi bài giảng, chuyên đề, giảng viên chỉ dành khoảng 3/4 thời gian để giảng lý thuyết, còn lại khoảng 1/4 thời gian thảo luận, tương tác với học viên, gắn lý luận với thực tiễn. Sự thay đổi này góp phần đổi mới phương pháp dạy - học LLCT, làm cho buổi học thêm sinh động, hấp dẫn hơn, giúp cho học viên nắm bắt kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc hơn.

Với những thay đổi quan trọng về cách tiếp cận, kết cấu, nội dung, Chương trình Trung cấp LLCT hiện nay đã thể hiện tính khoa học cao, hợp lý, được xây dựng công phu, đảm bảo cung cấp tri thức lý luận, nền tảng khoa học, kỹ năng cơ bản, cần thiết để giúp học viên hình thành và phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn. Chương trình cơ bản đã khắc phục được một số nhược điểm của chương trình cũ, hạn chế tối đa sự trùng lặp, tăng thực hành và thảo luận trên lớp, phù hợp với đối tượng người học trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với những đổi mới quan trọng trong chương trình đào tạo, việc biên soạn và triển khai giáo trình được thực hiện hết sức khoa học, chặt chẽ. Các bài giảng và chuyên đề được đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn hết sức công phu, nghiêm túc. Riêng phần biên soạn học phần “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển của địa phương” được Học viên Chính trị gia Hồ Chí Minh chỉ đạo và hướng dẫn các trường chính trị biên soạn từ tháng 9 năm 2020, được tổ chức góp ý, nghiệm thu chặt chẽ, nghiêm túc, các chuyên đề hàm lượng khoa học cao, phù hợp với đối tượng người học, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là cập nhật Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và những điều kiện thực tiễn mới của đất nước, của thế giới,v.v...Đây là một trong những tiến bộ của giáo trình Trung cấp LLCT ban hành lần này.

Bên cạnh việc biên soạn, công tác tập huấn, triển khai giáo trình Trung cấp LLCT cũng được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo triển khai kịp thời, đầy đủ, có chất lượng giáo trình đến đông đảo giảng viên của các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 05 lớp tập huấn kiến thức và phương pháp giảng dạy từng chuyên đề trong Chương trình Trung cấp LLCT từ ngày 14/6/2021 đến ngày 27/7/2021 bằng hình thức trực tuyến, các giảng viên, báo cáo viên đều là các thầy cô có trình độ cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm thực tiễn, đa số là các thầy cô trực tiếp tham gia biên soạn giáo trình; Đặc biệt, do lớp tập huấn được triển khai theo hình thức trực tuyến nên nhiều giảng viên của các trường chính trị, các trường bộ, ngành nói chung và Trường chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang nói riêng có cơ hội được nghe giới thiệu, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và giải đáp những vướng mắc của giảng viên cả về lý luận và thực tiễn, hiểu rõ, hiểu đúng các nội dung, nội hàm các chuyên đề mình được phân công soạn và giảng. Đây là một trong những điểm mới, cách làm sáng tạo, góp phần tiết kiệm chi phí, triển khai sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả giáo trình Trung cấp LLCT trên phạm vi toàn quốc.

Để tiếp tục triển khai có chất lượng, hiệu quả chương trình, giáo trình Trung cấp LLCT, về phía Trường chính trị  Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đang tích cực triển khai các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, Ban Giám hiệu đã chủ động phân công và chỉ đạo giảng viên soạn giáo án bài giảng theo kế hoạch đã được phân công. Yêu cầu các giảng viên soạn giáo án tuyệt đối phải bám sát giáo trình, đúng mẫu theo quy định của Học viện, chú trọng liên hệ, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, những vấn đề thực tiễn mới của nước ta và thế giới. Việc phân công giảng viên được đặc biệt chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực, sở trường của mỗi người, đồng thời đối với những các chuyên đề có tính thực tiễn cao, nhà trường chủ trương mời các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn nhất là các vấn đề thực tiễn của tỉnh hiện nay.

Thứ hai, sau các lớp tập huấn giáo trình, Ban Giám hiệu tiếp tục chỉ đạo các lãnh đạo các khoa, giảng viên khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh giáo án. Tổ chức góp ý và thông qua giáo án ở tập thể khoa, thông qua hội đồng khoa học của trường trước khi mở lớp. Bên cạnh việc hoàn chỉnh giáo án, cần rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống câu hỏi thảo luận, nội dung ôn tập, câu hỏi thi, đáp án các môn học. Tăng cường những câu hỏi mang tính chất suy luận, kích thích tư duy độc lập, đổi mới sáng tạo của học viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý.

Thứ ba, đối với các học phần có chủ trì, phối hợp như: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển của địa phương; Kiến thức bổ trợ…Ban Giám hiệu tăng cường công tác chỉ đạo việc phân công, sinh hoạt chuyên môn, giảng dạy, ra đề, chấm thi nhằm đáp ứng mục tiêu của học phần, chất lượng từng bài giảng. Chú trọng hài hoà lợi ích giữa các bộ phận trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chất lượng.

Thứ tư, bản thân mỗi giảng viên của trường thường xuyên ra sức học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức và quy trình đào tạo theo phương châm: cơ bản, hệ thống, thiết thực, hiện đại, gắn với thực tiễn, cập nhật, phù hợp với đối tượng. Giảng viên triển khai tập huấn giáo trình mới cần bám sát chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tập trung làm rõ mục tiêu, yêu cầu bài giảng, những nội dung trọng tâm, nội dung mới, định hướng dẫn dắt thảo luận và phương pháp truyền đạt.

Thứ năm, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu vừa tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa thực hiện tốt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh uỷ phê duyệt, nhằm triển khai nghiêm túc, kịp thời chương trình, giáo trình Trung cấp LLCT, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã được Tỉnh uỷ An Giang đồng ý cho tiến hành triển khai đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến. Vì vậy, nhà trường đã liên hệ và được Microsoft Việt Nam hỗ trợ cấp tài khoản Office 365 Education bản A1. Hiện tại, Trường đang triển khai tạo tài khoản cho giáo viên, học viên, xây dựng quy chế giảng dạy - học tập và tổ chức lớp tập huấn trực tuyến Office 365 trên nền tảng Microsoft Teams cho toàn thể cán bộ, giảng viên. Nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Trường sẽ bắt đầu triển khai đào tạo, bồi dưỡng các lớp theo hình thức trực tuyến vào tháng 8 năm 2021.

Có thể nói, việc triển khai có chất lượng, hiệu quả Chương trình, giáo trình Trung cấp LLCT luôn được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đặc biệt quan tâm. Với sự chuẩn bị chu đáo, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu Trường Chính trị chuẩn trong giai đoạn mới./.

các tin khác