Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

An giang tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” trong tình hình mới hiện nay

08:47 06/12/2021

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch”.

CN. Trần Vũ Minh

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vừa nhằm kỷ niệm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), thông qua đó còn góp phần tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết dân tộc đã được hình thành và củng cố trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó thấm đẫm vào tư tưởng, tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Và đại đoàn kết dân tộc tiếp tục là nội dung tư tưởng chính của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với sự ra đời của ngày hội đại đoàn kết dân tộc, nó minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng địa phương, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã mang lại ý nghĩa to lớn như:

- Tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc

- Góp phần động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

- Góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh.

Với mục đích xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết thời gian qua đã đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội từ mỗi khóm, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.

Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền, giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, chung tay góp sức ủng hộ vật chất, tinh thần để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 18-10, tổng số tiền tiếp nhận của tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 của các cấp trong tỉnh hơn 47,1 tỉ đồng (không tính tiền hỗ trợ cho người bán vé xổ số kiến thiết lẻ). Từ nguồn lực này, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm nay An Giang, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng rất có khả năng xảy ra. Do đó, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang thống nhất không tổ chức chương trình như hàng năm, mà thay vào đó, tổ chức tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức thực hiện các hoạt động ở cộng đồng. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Qua đó tặng giấy khen, biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương. Ở các khóm, ấp tổ chức vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn phòng, chống dịch bệnh; có hình thức tặng quà phù hợp cho các hộ gia đình có công, hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hộ gia đình khó khăn đi làm ăn tại các tỉnh, thành phố có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã trở về địa phương, nhất là các hộ gia đình có người thân tử vong do dịch bệnh. Quan tâm thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; biểu dương các gia đình có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, có đóng góp thiết thực, hiệu quả cho cộng đồng, tổ dân phố... Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tại địa phương có dịch phát huy tối đa vai trò tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết trong khó khăn, giúp đỡ nhau trong đại dịch. Nhiều phần quà được chuyển đến để động viên những hoàn cảnh khó khăn, người không may bị nhiễm bệnh. Sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng dịch vững vàng hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng rất có khả năng xảy ra. Do đó phải tiếp tục khẳng định vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong cộng đồng. Việc tổ chức ngày hội để kịp thời động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng của nhân dân để phòng, chống và sớm chiến thắng dịch bệnh bằng hình thức:

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thống nhất hình thức tổ chức Ngày hội cụ thể như sau:

Tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các hoạt động ở cộng đồng, tặng giấy khen biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhất là tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương; tổ chức vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn phòng, chống dịch bệnh; có hình thức tặng quà phù hợp cho các hộ gia đình có công, hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hộ gia đình khó khăn đi làm ăn tại các tỉnh, thành có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã trở về địa phương, nhất là các hộ gia đình có người thân tử vong do dịch bệnh.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo trong tháng 12/2021, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ trình Ban Bí thư “Đề án xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Việc giữ gìn, xây dựng được từng khu phố, tổ dân phố, từng khóm, ấp, xã, huyện, tỉnh đoàn kết, cả dân tộc ta đoàn kết, thì việc khó mấy chúng ta cũng vượt qua được. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã cho thấy bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.

Trong giai đoạn bình thường mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương tiếp tục vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của địa phương, tránh làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, không nghe theo lời xúi giục của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá công cuộc phòng, chống dịch, gây chia rẽ đại đoàn kết toàn dân tộc; không vượt biên trái phép và kịp thời khai báo người về từ vùng dịch…

Tiếp tục khẳng định vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong cộng đồng, việc tổ chức Ngày hội để kịp thời động viên, khích lệ Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng của Nhân dân là một chiến lược, sách lược xây dựng, phát triển đất nước của Đảng ta ./.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Số: 438/BC-MTTQ-BTT Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang, ngày  17 tháng 11 năm 2021.

2. Báo cáo trước Hội nghị giao ban công tác Mặt trận Quý III năm 2021, ngày 15/10/2021.

các tin khác