Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

09:09 08/01/2020

Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đang đứng trước mối đe dọa trực tiếp từ sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận đấu tranh về lý luận chính trị, tư tưởng. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại càng quan trọng và nhiều khó khăn. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua nghiên cứu, bản thân xin trao đổi một số nội dung cơ bản về vấn đề nêu trên, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của đảng viên trong việc bảo vệ Đảng qua các nội dung sau:

 Thứ nhất, nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

- Nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta không ngừng trưởng thành, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng đất nước. Điều này đã chứng minh hùng hồn nhất từ thực tiễn về tính khoa học, tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, từ thập niên 90 trở lại đây, đặc biệt sau sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ thì các thế lực thù địch đã lợi dụng cơ hội ra sức xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều hình thức đa dạng, quy mô tấn công ngày càng tăng, nguy hiểm về tính chất, thâm độc về mức độ. Điều này đã làm cho một số người bị lôi kéo hay vô tình tham gia khi hiểu một cách sai lệch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, không còn phù hợp với Việt Nam hay cho rằng ở Việt Nam chỉ cần một học thuyết về Tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, là phù hợp.

Chúng tấn công thẳng vào nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và chủ tịch Hồ Chí Minh với âm mưu phá vỡ và lật đổ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ hai, tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025

Cuộc cách mạng công nghiệp là sự tiến bộ vượt bậc của các thành tựu khoa học - kỹ thuật, từ đó làm thay đổi căn bản về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, làm cho kinh tế - xã hội của quốc gia, quốc tế phát triển vượt bậc. Trong lịch sử phát triển của xã hội đến nay đã có 4 cuộc cách mạng công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ khoảng đầu thế kỷ XXI được hình thành trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Đặc biệt là việc cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, công nghệ nano, vật liệu mới, dữ liệu lớn (Big Data),...Đây là cuộc cách mạng công nghệ số. Phát triển công nghệ số là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển bền vững.

Do tầm quan trong đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Đến năm 2025, mục tiêu của Việt Nam là:

- Duy trì xếp hạng GII thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN.

- Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

- Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

- Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.

- Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

- Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Thứ ba, nhận diện đối tượng, nội dung và các phương thức đấu tranh phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

- Đối tượng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng

    + Đối tượng thứ nhất bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Cuộc đấu tranh này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới. Do vậy có thể nói, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng của một giai cấp là một quy luật khách quan, tất yếu phải có ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

    + Đối tượng thứ hai là lực lượng phản động, tàn dư của chế độ ngụy quyền trước đây đang sinh sống, lưu vong ở nước ngoài đã thường xuyên, tích cực lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, mù quáng, kết hợp với số đối tượng chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức phản động như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, …. để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những hành động tuyên truyền, phát tán tài liệu, sử dụng không gian mạng, dùng những công cụ, phương tiện hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ số - cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện âm mưu phá hoại Đảng, chính quyền nhà nước.

    + Đối tượng thứ ba là một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lực lượng này len lỏi, chạy chức, chạy quyền, phá hoại đoàn kết trong hệ thống chính trị. Đây là những người phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng. Nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi chỉ bắt nguồn từ sự bất mãn, sự không đồng ý một số vấn đề, chủ trương cụ thể trong chính sách của nhà nước, vì quyền lợi, địa vị cá nhân hay từ cách ứng xử của người có thẩm quyền ở cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác.

- Nội dung chống phá của các thế lực thù địch, phản động

    + Các thế lực thù địch, phản động đã và đang ra sức phủ định tính khoa học, tính đúng đắn, cách mạng, nhân văn và các giá trị tiến bộ của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tập trung tấn công vào những vấn đề về nguyên tắc, then chốt, luận điểm cơ bản nhất như: về hình thái kinh tế - xã hội, về học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân....

    + Phủ nhận sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của chủ tịch Hồ Chí Minh. Các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh theo hai hướng:

Một mặt, các thế lực thù địch phủ nhận nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng đây chỉ là “mớ lý thuyết hỗn độn nhằm đề cao, sùng bái cá nhân”, là “một di hại to lớn của lịch sử”, “Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu”.....

Mặt khác, chúng lại ra sức tuyên truyền, đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đây là một âm mưu vô cùng thâm độc, gieo rắc sự nghi ngờ, phân vân của những người thiếu bản lĩnh chính trị, không biết rõ âm mưu của kẻ thù khi thấy chúng có vẻ đúng khi toàn dùng những mĩ từ hết lời ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh.

    + Bọn phản động ra sức chống phá, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo.

    + Chúng phủ nhận những thành quả cách mạng to lớn, có tính lịch sử vĩ đại trong quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc và xây xựng đất nước phát triển bền vững.

 

- Phương thức chống phá của các thế lực thù địch

    + Chúng sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng việt, RFA, RFI, BBC việt ngữ) để nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nghi ngờ, mất đoàn kết trong nội bộ của Đảng, chính quyền nhà nước.

    + Chúng tận dụng mọi thành tựu khoa học công nghệ tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng môi trường mạng, lợi dụng truyền thông xã hội để chống phá; lợi dụng một vài sai sót trong quản lý ở một số nơi để quy chụp điển hình, kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    + Chúng tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử nhằm bóp méo sự thật, phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Đây là âm mưu thâm độc có tác hại thực sự sâu xa và lâu dài.

    + Chúng tấn công vào nội bộ, phủ nhận các thành tựu đã đạt được của cơ quan, đơn vị; kích động để tấn công vào quá khứ.

Thứ tư, đối sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền là một quy luật khách quan đối với mọi quốc gia trên thế giới khi xã hội có phân chia giai cấp. Do vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài.

- Về đối sách với đối tượng thứ nhất và đối tượng thứ hai:

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình hiện nay, với sự phát triển mạnh mẻ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó đề cao vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu. Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả, tuân thủ các quy định của Đảng và của pháp luật. Kết hợp giữa vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm. 

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 23-KH/TCTTĐT ngày 25/12/2019 thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, Kế hoạch đã nêu rõ nội dung tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ-/TW của Bộ Chính trị đến toàn Đảng bộ, đảng viên, viên chức và học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối sách đối với đối tượng thứ ba, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 Hội nghị lần thứ tư BCH TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Theo đó, BCH Trung ương đã luôn nhắc nhỡ cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chống lại 27 biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Kết quả thực hiện NQTW4 khóa XII đã góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Hiện nay, để tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, loại bỏ những phần tử cơ hội, chuẩn bị tốt cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Quy dịnh số 205-QĐi/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, tại Điều 10 của Quy định số 205 đã nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền cần chống.

Thứ năm, một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực

Thông qua hoạt động của các cơ quan có chức năng tuyên truyền của đảng, nhà nước, các cuộc sinh hoạt chi bộ và hoạt động của các cơ quan báo chí để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

- Tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, về chủ nghĩa xã hội và con đưòng lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hệ thống hoá, phổ biến thành tựu lý luận của Đảng ta.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thửc lý luận chính trị

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổ chức thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet, phù hợp với từng đối tượng.

- Tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm

Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, cấm lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn, thư nặc danh, mạo danh, thư có danh nhưng nội dung xấu, mang tính xuyên tạc, vu khống, kích động, gây rối.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.

- Xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo đấu tranh, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội phù hợp với quy định của pháp luật; đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ mạng, cơ quan báo chí, trang thông tin điện từ... và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội.

Trên đây là một số nội dung nghiên cứu của bản thân về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên không gian mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.

* Tài liệu tham khảo

1. PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương- Bài “Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, không phù hợp với Việt Nam?” đăng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10/12/2019

2. Nguyễn Kim Tinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp- Bài “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” đăng Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 16/8/2019

3. Trang Thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương- Bài “Nhiệm vụ thường xuyên nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đăng ngày 12/4/2019

4. GS,TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương- Bài: Khoác áo “chủ nghĩa khách quan” trong nghiên cứu khoa học - Mối nguy hại cần bóc trần và loại bỏ, đăng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 04/12/2019.

Vũ Quang Hưng - Khoa Nhà nước và Pháp luật

các tin khác