Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Bác Hồ với việc chăm lo và giáo dục thiếu niên, nhi đồng

10:53 02/06/2020

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, là người có tấm lòng bao la, yêu thương con người, yêu thương dân, trong đó có thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy mà sinh thời Người dành cho thiếu niên, nhi đồng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo và giáo dục thiếu niên, nhi đồng - thế hệ mầm xanh, tương lai của đất nước. Tấm lòng và tình thương bao la của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng được thể hiện qua nhiều bài viết, tác phẩm, trong những bức thư Bác viết gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày quốc tế thiếu nhi và dịp Tết Trung Thu hằng năm.

Trong thư gửi Nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám được viết vào tháng 8/1947, Bác nhiệt liệt biểu dương công lao to lớn của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong thắng lợi của cách mạng tháng Tám và hết lòng căn dặn các cháu thiếu nhi cần phải cố gắng hết sức mình, tùy theo sức mình mà làm, Người khuyên: “Bác khuyên các cháu gắng sức thêm. Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ...”[2, tr.223-224], “Các cháu đã xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Ton. Thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bác rất bằng lòng các cháu”[2, tr.29].

Tình yêu thương vô hạn của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng chính là điểm xuất phát, là điểm căn cốt và là lý do chính để Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra tính cấp thiết phải giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Không ai khác và hơn ai hết, trong hoàn cảnh nước nhà phải kháng chiến chống thực dân Pháp, Người rất mực lo lắng cho tương lai của các cháu. Trong Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1/6/1950“Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”[8], nên cứ đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, Bác Hồ đều có thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới.

Nói đến các cháu thiếu niên – nhi đồng, Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25/8/1950, Bác Hồ có viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết giữ gìn vệ sinh, giữ gìn kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả” [2, tr.427].

Từ việc đánh giá cao vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng, đánh giá cao vai trò của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng, Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng một cách toàn diện [8]. Ngày 7/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Đất nước ta còn trong vô vạn bộn bề khó khăn và công việc, Bác và Trung ương vẫn chưa về tiếp quản thủ đô, nhưng Bác vẫn không quên gửi bức thư ngắn cho các cháu nhi đồng toàn quốc nhân ngày 1/6. Năm 1955, nhân ngày 1/6, Bác liên tiếp có hai bài viết, một gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam (Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); một đăng trên báo Nhân Dân số 445, ra ngày 1/6/1955. Lần này, Bác lại vẫn nhắc đến vấn đề đoàn kết. Và trong hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, Bác nhấn mạnh rằng: Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ”[3, tr.498]. Bác nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”. Không những thế, Bác còn căn dặn các cô, các chú cán bộ “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, chăm nom, bồi dưỡng các cháu sớm trở thành những người chủ nhân tương lai của nước nhà”.

Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh ở chỗ, Người hiểu rằng thiếu niên, nhi đồng là chủ nhân tương lai của đất nước, việc chăm lo giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên Báo Nhân dân số ra ngày 1/6/1969, có đoạn viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”[6, tr.579]. Bác nhắc nhở ân cần đến các gia đình, các đoàn thể, phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc và giáo dục các cháu ở khắp mọi miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ít người, vùng còn khó khăn, cách trở, vùng biên giới, phải làm sao cho các cháu ngày càng khỏe mạnh được học hành, được vui chơi và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy... cần phải phụ trách và đôn đốc việc này cho có kết quả.

Theo Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, hướng đến mục tiêu giáo dục các em trở thành những người:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Thật thà, dũng cảm.”

Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[5, tr.131-132]. Người mong muốn và đặc biệt quan tâm, nhắc nhở, khích lệ các cháu học tập, học sao cho tốt, cho giỏi để xứng đáng với sự kỳ vọng của Tổ quốc, của dân tộc mai sau, đó là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không? Dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần công học tập của các cháu”[1, tr.35].

Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Bác Hồ đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của những người thầy giáo với sự nghiệp giáo dụcđào tạo, Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[4, tr.528]. Hồ Chí Minh đã mượn câu nói của Quản Trọng thời Đông Chu để nhấn mạnh sự nghiệp giáo dục, gắn liền với trồng cây và trồng người [7, tr.297]. Đây được coi là sự nghiệp cao cả, lâu dài của toàn Đảng, tuy khó khăn, vất vả nhưng đầy vẻ vang, là sự nghiệp to lớn, đào tạo các thế hệ tương lai vừa “hồng” vừa “chuyên” có đủ đức đủ tài gánh vác trọng trách lớn lao của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc lịch sử, Bác Hồ cũng đã 2 lần nhắc đến các cháu nhi đồng và Người đã luôn dành muôn vàn tình thân yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Mối quan tâm ấy của Người, càng nhắc nhở chúng ta nhớ đến trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Người viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...”[6, tr.621]. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”[6, tr.624].

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng cùng với sự phát triển của cách mạng, cùng với thời gian, tình cảm, sự quan tâm, những căn dặn, chỉ dẫn của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng luôn được Đảng, Chính phủ, các cấp bộ ngành quán triệt và thực hiện. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi giai đoạn, song, trên thực tế, thiếu niên, nhi đồng cả nước đã nhận được sự quan tâm, chăm lo ở cả gia đình, nhà trường và xã hội, để ngày một trưởng thành và có thể tiếp bước các đàn anh trở thành “lực lượng cách mạng kế cận”. Tình cảm và tấm lòng của Bác Hồ cũng luôn sâu đậm trong trái tim các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam, nâng bước, chắp cánh để mỗi người ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong học tập, tu dưỡng đạo đức và phấn đấu trở thành những công dân tốt, góp sức cho cộng đồng [9].

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về chăm lo và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược trồng người, toàn Đảng, toàn dân đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác gửi thư. Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng cả nước. Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau vẫn luôn cất cao lời hát:

Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...

Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hãy luôn khắc ghi và phấn đấu cao nhất, thực hiện lời nhắc nhở của Bác: Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh”. Ngày nay, thiếu niên, nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đã được thể hiện bằng luật định. Người lớn, bất kỳ ai, ở cương vị nào đều không được quên hay sao nhãng bổn phận làm gương đối với thiếu niên, nhi đồng nói riêng, đối với trẻ em nói chung.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2020kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ Kính yêu (1890-2020) của chúng ta, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, mỗi cấp bộ ngành, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ..; Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời hy sinh vì dân tộc, hết lòng yêu thương đồng bào, chăm lo và giáo dục thiếu niên, nhi đồng bằng chính tấm gương sáng ngời của mình, Bác Hồ rất tin tưởng vào thiếu niên, nhi đồng – thế hệ tương lai của nước nhà. Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Lời dạy của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”!  Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”./.

 

Tài liệu tham khảo

1.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

2.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

3.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

4.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

5.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

6.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011.

7. Vũ Khiêu, Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 297.

8. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên, nhi đồng,  http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giao-duc-thieu-nien-nhi-dong-3478, truy cập ngày 27/5/2020.

9. Nguyễn Hồng Thúy, Tấm lòng của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng, http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/tam-long-cua-bac-ho-voi-thieu-nien-nhi-dong-31551, truy cập ngày 27/5/2020.

ThS. Lê Hữu Lợi - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

các tin khác