10:54 29/04/2020
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta là một tất yếu, trong đó nhiệm vụ xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực hiệu quả, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, quan liêu, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động quản lý hành chính là một trong những trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, việc minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động của chính quyền địa phương nói riêng là điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm tính dân chủ của chế độ đồng thời là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn tệ nạn quan liêu, tham nhũng và làm trong sạch bộ máy. Đối với cấp cơ sở, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương còn góp phần thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của người dân theo luật định. Từ những nhận định trên, bài viết sẽ làm rõ vai trò của minh bạch hóa đối với hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.
Minh bạch hóa là một thuật ngữ pháp lý được nhắc đến nhiều sau khi Việt Nam ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hòa Kỳ và trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như là một yêu cầu bắt buộc của quá trình hội nhập quốc tế. Quan niệm về minh bạch trong những năm gần đây được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như: minh bạch trong chính trị, minh bạch trong kinh tế, minh bạch trong việc ban hành chính sách pháp luật, minh bạch trong quản lý… Thực tế cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về minh bạch. Theo định nghĩa thông thường, minh bạch là tính chất có thể nhìn xuyên qua sự vật, hiện tượng sang phía bên kia. Trong tiếng Anh, minh bạch là “transparency”, theo nghĩa cổ có nghĩa là sự cởi mở và thẳng thắn trong việc cung cấp thông tin khi được hỏi và minh bạch mang tính công khai thụ động theo kiểu “hỏi thì trả lời”. Ngày nay, minh bạch mở rộng ra với nghĩa là cho phép mọi người nhìn thấy sự thật mà không hề che đậy hoặc bị làm mờ đi hay gây nhiễu. Nói cách khác, minh bạch làm cho việc quan sát sự vật, hiện tượng một cách chính xác và dễ dàng hơn, minh bạch ngày nay còn mang tính chủ động và đặt nhiều trách nhiệm hơn vào các cơ quan, tổ chức quản lý.
Trong các văn bản pháp luật Việt Nam hiện vẫn chưa có định nghĩa chính thức dành riêng cho thuật ngữ minh bạch hóa mà chủ yếu xem xét ý nghĩa chung của nó hoặc gắn với thuật ngữ “công khai”. Trong Hiến pháp năm 2013, minh bạch được hiểu là quyền tiếp cận thông tin, một trong những quyền cơ bản của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25) và “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.” (Điều 28). Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 tại Điều 3 quy định về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin như sau: “1.Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. 2.Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. 3.Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật…”. Tại khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa: “Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Theo đó, minh bạch được gắn liền với công khai. Tuy nhiên, minh bạch là khái niệm rộng hơn khái niệm công khai. Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên thì công khai là không giấu diếm bí mật mà cho mọi người cùng biết; còn minh bạch là sáng rõ, rành mạch. Trong quản lý hành chính nhà nước, công khai minh bạch là việc người dân được thông tin đầy đủ kịp thời, chính xác về pháp luật và tất cả các thông tin khác liên quan đến quá trình thực thi công vụ của công chức Nhà nước, gắn liền với trách nhiệm giải trình và tự do thông tin. Minh bạch còn bao hàm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin. Dù hiểu theo cách nào, minh bạch cũng gắn liền với quyền tiếp cận thông tin. Do đó, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương có thể hiểu là việc chính quyền địa phương công bố, cung cấp thông tin chính thức đối với hoạt động xây dựng văn bản pháp quy, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định này và người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin, được tham gia đóng góp và giám sát việc thực hiện hoạt động của chính quyền địa phương.
Hoạt động của chính quyền địa phương diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu là xoay quanh hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Khi xem xét minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương tức là tập trung vào một số lĩnh vực sau đây: một là, minh bạch hóa hoạt động ban hành văn bản pháp luật (kể cả văn bản hành chính cá biệt) của HĐND và UBND; hai là, minh bạch hóa hoạt động giám sát của HĐND; ba là, minh bạch hóa thủ tục hành chính của UBND; bốn là, minh bạch hóa hoạt động quản lý cán bộ công chức (liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, kết quả tín nhiệm…); năm là, minh bạch hóa lĩnh vực quản lý tài chính công (liên quan đến việc đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, thu chi ngân sách…) của chính quyền địa phương. Như vậy, minh bạch hóa các lĩnh vực trên sẽ thể hiện những vai trò cơ bản sau đây:
Thứ nhất, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương là nhu cầu, đòi hỏi và là biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Đặc điểm cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là phải thể hiện tính minh bạch trong hoạt động điều hành xã hội, nó có thể được coi là nền tảng cơ sở, cội nguồn sức mạnh của bộ máy công quyền, đảm bảo tính dân chủ của Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, người dân có quyền được biết về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các chính sách, pháp luật này khi ban hành đều phải xuất phát từ thực tiễn, phản ánh thực tiễn, phản ánh nhu cầu người dân và xã hội; ngược lại, những đối tượng chịu tác động bởi chính sách đó phải nắm bắt được nội dung của chính sách cũng như là kết quả tác động của chính sách đối với mình một cách rõ ràng. Điển hình như việc công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai các mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ hai, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương cũng được coi là biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường vai trò ngày càng quan trọng của cơ sở. Thông qua việc minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương, dân chủ trong xã hội được đảm bảo, đồng thời đảm bảo quyền của người dân trong tham gia quản lý Nhà nước ở địa phương. Khi người dân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền thảo luận, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước thì có những sáng kiến, góp ý từ phía người dân đã được tiếp thu để các cơ quan Nhà nước điều chỉnh hoạt động quản lý điều hành của mình. Từ đó, khơi gợi, phát triển niềm tin của Nhân dân vào sự quản lý của Nhà nước. Đó cũng là nền tảng giữ vững chính quyền, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, minh bạch là biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa các hành vi sai trái như tham nhũng, hối lộ, quan liêu, các biểu hiện suy thoái khác của đội ngũ cán bộ công chức. Công khai, minh bạch có vai trò chủ động, tích cực và cốt lõi trong phòng, chống tham nhũng. Ai cũng biết quy định kê khai tài sản, thu nhập hằng năm của đối tượng cán bộ, công chức có chức vụ là một quy định bắt buộc nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trong thời gian qua, nhờ công khai minh bạch về hồ sơ, thời gian, chi phí của các thủ tục hành chính mà giảm được nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hành dân của một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp khi đi thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ tư, minh bạch hóa sẽ tạo ra sức ép để chính quyền địa phương vận hành tốt hơn. Một chính quyền địa phương chỉ trong sạch, vững mạnh khi mọi hoạt động của nó được minh bạch hóa và được kiểm soát tốt. Càng công khai, minh bạch, càng có khả năng kiểm soát được hoạt động của chính quyền địa phương. Ví dụ như việc công khai minh bạch việc thu chi ngân sách ở địa phương hay công khai minh bạch việc đấu thầu, vận động các nguồn quỹ để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông ở địa phương sẽ giúp người dân giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Mặt khác, minh bạch hóa còn nâng cao hiệu quả giám sát của cử tri khi các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được triển khai và thông tin kịp thời đến người dân ở cơ sở.
Thứ năm, đối với sự phát triển của xã hội, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương sẽ giúp phân bổ nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương vì các tài sản và các nguồn lực trong xã hội về nguyên tắc sẽ tìm đến người sử dụng nó có hiệu quả nhất. Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin tốt hơn và được tham gia quá trình ra quyết định cũng như giám sát quá trình thực thi các quyết định của cơ quan Nhà nước. Hai yếu tố này làm tăng niềm tin của doanh nghiệp vào hiệu quả quản trị của cơ quan quản lý Nhà nước, giúp doanh nghiệp có niềm tin tốt hơn vào môi trường chính sách của địa phương và từ đó khuyến khích đầu tư cao hơn. Đồng thời, một chính sách minh bạch sẽ gia tăng sự bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các đối tượng khác nhau, bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực (vốn, mặt bằng, công nghệ…) và tiếp cận thị trường, nhất là việc tiếp cận các khách hàng là cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Thứ sáu, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương góp phần thúc đẩy quá trình tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng giao lưu kinh tế quốc tế. Việc hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu và hợp tác luôn yêu cầu Việt Nam tăng cường hơn nữa tính công khai minh bạch trong quá trình phát triển của mình. Nhiều hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết hay gia nhập đều đề cập rất rõ nghĩa vụ công khai minh bạch trong các hoạt động của Nhà nước. Nghĩa vụ công khai này không chỉ ở cấp trung ương mà ở địa phương, cơ sở càng cần phải quyết liệt thực hiện. Ngày nay, hoạt động ngoại giao không còn là đặc quyền của cấp trung ương nữa mà các cấp chính quyền địa phương đều rất chủ động trong giao lưu, mời gọi đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, không chỉ có ngoại giao Nhà nước mà ngoại giao nhân dân cũng phát triển rất mạnh. Do đó, càng công khai minh bạch càng thể hiện rõ tinh thần đổi mới và chủ động hội nhập của nước ta.
Tóm lại, minh bạch hóa là xu hướng tất yếu của nền hành chính hiện đại. Khác với các cơ quan Nhà nước ở cấp trung ương tác động đến xã hội thông qua những hoạt động có tính chất vĩ mô, chính quyền địa phương là những cơ quan trực tiếp tác động đến Nhân dân thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật vào trong thực tế và giải quyết trực tiếp các yêu cầu, kiến nghị của người dân. Minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương nhằm góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, ngăn chặn, giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình tha hóa quyền lực nhà nước. Trong tình hình hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ và đảm bảo quyền của nhân dân tham gia quản lý nhà nước./.
Tài liệu tham khảo
1. GS. TSKH Nguyễn Văn Thâm (2019): Xây dựng và vận hành bộ máy quản lý nhà nước một số vấn đề lý luận và thực tiễn hiện nay, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
2. PGS. TS Vũ Công Giao (2020): Quản trị tốt và phòng chống tham nhũng, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
ThS. Phan Thị Hoàng Mai - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật