07:32 18/08/2023
ThS. Phan Thị Hoàng Mai
Khoa Nhà nước và pháp luật
Ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về dân chủ ở cơ sở và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời đây là thành quả của kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trước đây đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần đầu tiên ra đời đã thể hiện được tính chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, phát huy rộng rãi quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là những bước tiến mới trong bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân của chế độ ta.
Cơ sở chính trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bắt nguồn từ Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó nêu rõ “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”. Sau đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) đã đặt ra yêu cầu: “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện...Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Nghị quyết Đại hội đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Những quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trên đã được thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của Nhân dân đã ghi nhận các hình thức thực hiện quyền dân chủ như “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6); “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (khoản 1 Điều 28); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (khoản 2 Điều 28). Đồng thời, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nhiều văn bản luật khác sau đó được Quốc hội ban hành có quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...
Bố cục của Luật
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương, 91 điều, gồm các nội dung cơ bản như sau:
- Chương 1: Những quy định chung, gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10). Chương này quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân; quyền thụ hưởng của công dân; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Chương 2: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gồm 35 điều (từ Điều 11 đến Điều 45). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, bao gồm công khai thông tin ở cấp xã; Nhân dân bàn, quyết định; Nhân dân tham gia ý kiến; Nhân dân kiểm tra, giám sát.
- Chương 3: Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, gồm 18 điều (từ Điều 46 đến Điều 63). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát.
- Chương 4: Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, gồm 19 điều (từ Điều 64 đến Điều 82). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, bao gồm quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước (Công khai thông tin; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước bàn và quyết định; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước tham gia ý kiến; người lao động ở doanh nghiệp nhà nước kiểm tra, giám sát) và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.
- Chương 5: Tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm 07 điều (từ Điều 83 đến Điều 89). Chương này quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam các cấp và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội khác trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Chương 6. Điều khoản thi hành gồm 02 điều (từ Điều 90 đến Điều 91). Chương này quy định về hiệu lực thi hành; áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp.
Luật Thực hiện dân chủ ở sơ sở ra đời là thành quả của kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trước đây đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Đó là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc). 03 văn bản pháp luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở 3 loại hình khác nhau (gồm địa bàn dân cư tại xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị của Nhà nước; và tại doanh nghiệp), qua một thời gian áp dụng đã phát huy được nhiều kết quả quan trọng tuy nhiên cũng còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót. Việc nâng cấp Pháp lệnh và các Nghị định lên thành Luật và thống nhất điều chỉnh trong một văn bản là sự tiến bộ về mặt lập pháp. Quan trọng hơn, Luật Thực hiện dân chủ ở sơ sở được xây dựng trên tinh thần mở rộng dân chủ trực tiếp theo chỉ đạo trong các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là bước tiến mới trong triển khai thi hành pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Những điểm tiến bộ của Luật Thực hiện dân chủ ở sơ sở thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ ở nước ta, tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.
Thứ hai, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều này giúp bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Thứ ba, nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin (được biết), được thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến (được bàn), được quyết định một số vấn đề liên quan trực tiếp đến mình (được làm) và được kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó khắc phục được những biểu hiện của dân chủ hình thức hoặc những hạn chế khác trong thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua.
Thứ tư, lần đầu tiên quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được ghi nhận cụ thể tại Điều 5 của Luật, bao gồm: (1) Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; (2) Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (3) Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; (4) Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, nội dung thể hiện rõ rệt bước tiến mới về dân chủ ở nước ta đó là quy định về quyền thụ hưởng của công dân được nêu tại Điều 7. Theo đó, công dân (1) được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; (3) được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; (4) được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ sáu, Luật đã xây dựng được cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thông qua việc thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội “làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Luật quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở thôn, tổ dân phố, cũng như vai trò, trách nhiệm của Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong từng việc, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt (thể hiện ở các Điều 23, Điều 28, Điều 40, Điều 45, Điều 52, Điều 55, Điều 63, Điều 70, Điều 78, Điều 82). Đồng thời, bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29); quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tóm lại, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã giúp đồng bộ, thống nhất trong điều chỉnh ba loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) qua đó khắc phục căn bản những bất cập trước đây khi mỗi loại hình thực hiện theo một văn bản khác nhau dẫn đến tình trạng không đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để mọi người dân được phát huy quyền làm chủ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, Luật đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023, trong thời gian sắp tới tất cả các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật trong Nhân dân và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định này./.
Tài liệu tham khảo
- Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
- Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.
- Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
- Hiến pháp năm 2013.
- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.