Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đề dẫn Hội thảo khoa học: “An Giang thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”

08:14 20/09/2021

Chiều ngày 20/9/2021, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo Khoa học: “An Giang thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) có giá trị định hướng, chỉ đạo to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011). Qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tại tỉnh ta, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, với hai nhiệm kỳ Đại hội lần thứ IX (2010 - 2015) và lần thứ X (2015-2020), Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, vị thế và uy tín của tỉnh ngày càng được nâng cao. Hội thảo là diễn đàn để tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của Cương lĩnh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới đất nước. Đây là dịp để các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học chia sẻ những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và khoa học về kết quả việc thực hiện Cương lĩnh 2011 tại tỉnh; là nguồn tài liệu xác thực, củng cố niềm tin chính trị và cung cấp các luận cứ khoa học tham mưu cho tỉnh trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”.

Sự thật lịch sử đã chứng minh, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (năm 1996) và tình trạng kém phát triển (năm 2010), trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên Liên hợp quốc, trong đó đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích Việt Nam với các nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển.

Đến nay, những thành tựu đạt được qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tạo những bước tiến quan trọng về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, “có giá trị to lớn, có ý nghĩa lịch sử là sự kết tinh, sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Những thành tựu đó là sự phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân An Giang.

Cùng với tiến trình đổi mới và vận dụng thực hiện Cương lĩnh, Đảng bộ tỉnh An Giang với những quyết tâm đưa Cương lĩnh của Đảng vào đời sống xã hội, tạo động lực mới góp phần đạt những thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Để đánh giá khách quan, làm rõ hơn những thành tựu, hạn chế qua 30 năm vận dụng thực hiện Cương lĩnh, cũng như những vấn đề đặt ra đối với Cương lĩnh và sự phát triển của tỉnh An Giang trong thời gian tới là rất cần thiết. Việc tổng kết, đánh giá thực hiện Cương lĩnh thể hiện quyết tâm chính trị cao, có sự nhìn nhận một cách toàn diện hơn của quá trình phát triển của Tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, với những thời cơ, thách thức đặt ra và những yếu tố tác động rất lớn đến quá trình vận dụng thực hiện Cương lĩnh, vì thế cần phải tìm ra những giải pháp hiệu quả góp phần tham mưu cùng với Tỉnh vận dụng thực hiện Cương lĩnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần thiết phải tổng kết làm cơ sở, tiền đề về luận cứ khoa học phục vụ cho quá trình nghiên cứu của tỉnh An Giang nói chung và cho đội ngũ giảng viên phục vụ trong công tác giảng dạy ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nói riêng, trên cơ sở kết hợp giữa lý luận với thực tiễn. Việc tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học là nội dung chính trị quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với nhiệm vụ của Trường, nhất là tổng kết thực hiện Cương lĩnh càng làm cho ý nghĩa đó mang tính lịch sử.

Xuất phát từ sự cần thiết với những ý nghĩa nêu trên, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nhận thức cần phải tiến hành triển khai, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “An Giang thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Trong suốt quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 46 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Tỉnh. Qua những nội dung bài viết, Ban Tổ chức có thể biên tập thành cuốn kỷ yếu Hội thảo theo các nhóm vấn đề chính như sau:

Một là, những vấn đề lý luận chung về CNXH và con đường đi lên CNXH từ Cương lĩnh năm 1991 đến Cương lĩnh năm 2011.

Hai là, thực hiện những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tại tỉnh An Giang theo tinh thần Cương lĩnh 2011.

Ba là, tỉnh An Giang xây dựng hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng theo tinh thần của Cương lĩnh 2011.

Các bài tham luận gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo là những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phản ánh sâu sắc quá trình 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển 2011) tại tỉnh An Giang; làm sâu sắc hơn giá trị lý luận, thực tiễn Cương lĩnh và quá trình vận dụng các bài học kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới hiện nay trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Để buổi Hội thảo đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Tổ chức đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận, phân tích, luận giải, làm rõ một số vấn đề cơ bản sau:

- Có thể làm rõ thêm những giá trị và những vấn đề cần bổ sung, phát triển; mục tiêu, định hướng của Cương lĩnh gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang hiện nay.

- Vận dụng Cương lĩnh vào thực tiễn ở An Giang góp phần xây dựng, phát triển đời sống xã hội trong giai đoạn hiện nay, cũng như vận dụng trong giảng dạy lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học.

- Nhận diện, đấu tranh trước những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay. Từ đó, đề xuất những giải pháp hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với những giá trị to lớn của Cương lĩnh, thực tiễn đặt ra và ý nghĩa khoa học của Hội thảo, cùng với những vấn đề cơ bản đặt ra, Ban Tổ chức mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học để nội dung của buổi Hội thảo thêm sâu sắc đúng như giá trị của Cương lĩnh. Ban Tổ chức Hội thảo cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu; trên cơ sở đó đề xuất, tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện Cương lĩnh 2011 trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh trên cơ sở các ý kiến khoa học đề cập cần tiếp thu, vận dụng và cụ thể hóa vào công tác chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh. Với niềm tin vào trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu, nhà khoa học, đồng chí tin tưởng rằng Hội thảo sẽ tổ chức thành công tốt đẹp./.

các tin khác