07:59 07/12/2021
Chiều ngày 08 tháng 12 năm 2021, Khoa Nhà nước và Pháp luật tổ chức Toạ đàm khoa học cấp Trường với chủ đề: “Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh: Toàn tập T8 tr.496, Nxb.CTQG,1996). Theo Người, lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất quy luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội - lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lý luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.
Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành phương châm trong giảng dạy và học tập ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong suốt thời gian qua. Trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế Đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - hành chính và Quy chế giảng viên trường chính trị cấp tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó, hoạt động nghiên cứu thực tế là một nội dung bắt buộc trong chương trình đạo tạo của học viên và nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế hằng năm là quy định bắt buộc đối với giảng viên của Trường.
Căn cứ để thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên là Hướng dẫn số 310-HD/HVCTQG ngày 12/6/2019 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; căn cứ để thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh là Hướng dẫn số 311-HD/HVCTQG ngày 12/6/2019 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đối với học viên, việc đi nghiên cứu thực tế sẽ giúp rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn để củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, biết phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình và vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn ở cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác. Đối với giảng viên, việc kết hợp giữa lý luận với thực tiễn ở cơ sở trong giảng dạy để minh họa, chứng minh, làm sáng tỏ những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm, lý luận thì sẽ giúp học viên tiếp thu được một cách hiệu quả nhất lượng kiến thức mà giảng viên truyền đạt, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo lý luận chính trị của nhà trường.
Nhận thức được ý nghĩa và vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế, nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, khắc phục tình trạng “lý luận suông” trong giảng dạy và học tập. Thời gian trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trường đã tổ chức được một số lớp Trung cấp lý luận Chính trị - hành chính đi nghiên cứu thực tế ở trong và ngoài tỉnh. Hoạt động nghiên cứu thực tế đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học viên. Đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên cũng được thực hiện hằng năm ở các địa phương, cơ sở trong tỉnh. Việc triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định. Trong giai đoạn sắp tới, hoạt động nghiên cứu thực tế chắc chắn sẽ gặp phải một số khó khăn, thách thức cần đề xuất các giải pháp khắc phục. Với ý nghĩa quan trọng và tính cấp thiết đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang tổ chức Tọa đàm khoa học cấp trường với chủ đề: “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TÔN ĐỨC THẮNG HIỆN NAY”.
Thay mặt Ban Tổ chức Tọa đàm, tôi xin chân thành cảm ơn các giảng viên trường Chính trị Tôn Đức Thắng; các học viên của lớp Trung cấp LLCT-HC B145 và B148 đã nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia viết bài. Xin nồng nhiệt chào đón Quý Đại biểu, các nhà khoa học, các giảng viên đã đến tham dự buổi tọa đàm hôm nay!
Chúng tôi rất trân trọng và đánh giá rất cao những nỗ lực nghiên cứu và đóng góp quý báu trên nhiều phương diện khác nhau liên quan đến chủ đề Tọa đàm. Để buổi Tọa đàm hôm nay diễn ra thành công tốt đẹp, phù hợp với thời gian đã định, Ban Tổ chức đề nghị các tác giả, các đại biểu dành nhiều thời gian tham luận tích cực, tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu sau:
1. Các vấn đề lý luận chung về hoạt động nghiên cứu thực tế:
- Vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế đối với giảng dạy và học tập lý luận chính trị hiện nay.
- Quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quy định của ngành giáo dục về phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”.
- Các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động nghiên cứu thực tế đối với học viên trong chương trình giảng dạy trung cấp lý luận chính trị.
- Các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên trường chính trị cấp tỉnh hằng năm.
2. Thực trạng hoạt động nghiên cứu thực tế:
- Những khó khăn, thách thức trong triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế hiện nay ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
- Những nội dung và chủ đề nghiên cứu thực tế cần quan tâm trong tình hình mới.
- Thực trạng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp LLCT-HC ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng hiện nay
- Thực trạng hoạt động nghiên cứu thực tế hằng năm của giảng viên Trường chính trị.
- Kinh nghiệm của các giảng viên trong việc hướng dẫn nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp trung cấp LLCT-HC (trong tỉnh, ngoài tỉnh).
- Các vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế và trong viết báo cáo thu hoạch.
- Cảm nhận của học viên về hoạt động nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo trung cấp LLCT-HC.
- Các đánh giá, phản hồi từ phía các địa phương, cơ quan tiếp nhận đoàn nghiên cứu thực tế của trường.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế:
- Đánh giá việc vận dụng kết quả nghiên cứu thực tế vào bài thu hoạch sau khi đi nghiên cứu thực tế (của giảng viên và học viên).
- Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trong thời gian tới.
- Đề xuất ý tưởng về các hình thức, phương pháp nghiên cứu thực tế trong tình hình mới.