Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Tổng thuật Hội thảo “Thành tựu 30 năm đổi mới và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang 1986 – 2016”

04:38 16/05/2017

Với trên 60 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo, quản lý, nguyên là lãnh đạo quản lý của tỉnh, huyện và Trường Chính trị Tôn Đức Thắng; các nhà khoa học, nhà giáo từng giảng dạy và công tác trong và ngoài trường đã dự Hội thảo “Thành tựu 30 năm đổi mới và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang 1986 – 2016”. Hội thảo đã khẳng định những thành tựu tiến bộ nổi bật của Trường, đồng thời tri ân các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy của Trường sau 30 năm đổi mới. Các tham luận, ý kiến tập trung đề xuất những mục tiêu, giải pháp góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên; góp phần đề xuất kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy nhà trường phát triển nhảy vọt lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Sau lời phát biểu chào mừng Hội thảo của đồng chí Hiệu trưởng Võ Minh Hoàng là ý kiến phát biểu của đồng chí Võ Anh Kiệt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh – và phát biểu đã tập trung nhấn mạnh vị trí, vai trò của Trường và thành tích nổi bật mà Trường đạt được sau 30 năm đổi mới và phát triển.

Thành tích nổi bật mà Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt được sau 30 năm đổi mới và phát triển:

Trong đề dẫn hội thảo, TS. Trần Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng – khẳng định: Trường Chính trị Tôn Đức Thắng ngày càng trưởng thành , thành tựu đạt được trong 30 năm đổi mới và phát triển của trường thể hiện trên 9 nội dung, kết quả cụ thể: Trường ngày càng trưởng thành với chức năng, nhiệm vụ ngày càng lớn; chương trình, nội dung; quy mô, số lượng lớp; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; các hoạt động khoa học; đội ngũ cán bộ, giảng viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường; công tác lãnh đạo, quản lý và các phong trào quần chúng và những đóng góp của Trường vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

Khẳng định những điểm nhấn đánh dấu mốc son nổi bật của tiến trình phát triển 30 năm qua, tác giả Tô Hữu Trí – Trưởng phòng Đào tạo – cho rằng có 7 dấu ấn được coi là các cột mốc son cần ghi nhớ là: Tiên phong mở lớp trung cấp lý luận chính trị ở những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX; mở lớp liên tục ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; mở các lớp liên kết ở trình độ cao cấp, cử nhân; đào tạo giảng viên ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ,…

Ôn lại những trải nghiệm qua thực tiễn làm Hiệu trưởng của Trường những năm 90 của thế kỷ XX, Ths Lê Máy cũng ghi nhận sự trưởng thành của Trường từ khi miền Nam giải phóng đến nay, trong đó thành tích mà Trường đạt được là đội ngũ học viên sau khi đào tạo đã trở thành những cán bộ có đức, có tài đảm trách nhiều vị trí quan trọng của tỉnh đến các cơ sở, có nhiều học viên được giữ lại Trường sau khi đào tạo thành những giảng viên có trình độ cao, chuyên môn vững vàng, có uy tín, trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý của Trường. Tác giả cũng khẳng định cơ sở vật chất của Trường cũng không ngừng được nâng lên và hiện đại hóa để phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và học tập của học viên.

Thành tích tạo nên hình ảnh và uy tín cao của Trường là sự phối hợp với các huyện, thị, thành trong việc mở các lớp trung cấp lý luận chính trị và chuyên viên phục vụ cho nhu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Phát biểu của Thành ủy thành phố Châu Đốc đã khẳng định từ năm 1997 – 2016, Trường đã phối hợp với Châu Đốc mở 10 lớp trung cấp lý luận chính trị với 990 học viên. Tác giả Huỳnh Văn Khẩn cũng đã thống kê số liệu cán bộ huyện Chợ Mới chính là học viên khóa I trung cấp lý luận chính trị tại Trường. Theo đồng chí, việc mở lớp tại huyện có một tác dụng lớn là học viên không phải đi xa, vừa học vừa làm; huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm ngày càng khang trang, hiện đại.

Tác giả Võ Minh Luân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Tân cho rằng những đóng góp tích cực của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của huyện Phú Tân chính là nhiều cán bộ có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển của huyện đều đã học tập, rèn luyện từ mái trường này; các đồng chí ấy sau khi học tập về hầu hết đã có những tiến bộ nổi bật về năng lực, đạo đức. Từ đây, tác giả cho rằng Huyện ủy Phú Tân đánh giá cao uy tín, vai trò, năng lực sư phạm của thầy cô trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là tấm gương tốt cho học viên học tập.

Tác giả Lê Văn Hậu, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện An Phú nhấn mạnh kinh nghiệm quản lý, sự phối hợp tổ chức lớp tại huyện để quản lý sĩ số học viên đầy đủ, kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp và quan tâm đến các thầy cô về huyện giảng bài. Tác giả cũng đưa ra 4 bài học kinh nghiệm về sự phối hợp mở lớp và kiến nghị tiếp tục thực hiện mô hình mở lớp đào tạo tại huyện An Phú trong thời gian tới.

Một nội dung được các đại biểu tham dự Hội thảo trình bày và quan tâm chia sẽ là những tâm tư, tình cảm của các đồng chí nguyên là học viên, giảng viên của Trường.   

Đó là cảm tưởng của đồng chí Nguyễn Thành Lượm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đồng chí khẳng định bản thân tiến bộ, trưởng thành là do được học tập, rèn luyện ở mái trường này. Đồng chí đánh giá cao công sức giảng dạy, đào tạo của các thầy cô vì nhờ đó mà bản thân đồng chí trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và đồng chí cũng nhấn mạnh các cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh hầu hết cũng như vậy. Từ đây, đồng chí đưa ra 4 kiến nghị là tiếp tục giáo dục truyền thống của dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng cho cán bộ, đảng viên; đề cao mục đích “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” trong dạy và học; hỗ trợ vật chất cho số cán bộ cơ sở gặp khó khan khi đi học; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho Trường.

Ở một tham luận khác chứa đầy kỷ niệm không bao giờ quên của tác giả đối với những năm tháng  làm giảng viên ở Trường. Đó là trạng thái bở ngỡ khi về Trường trong ngày giải phóng miền Nam, sự tri ân đối với các bậc thầy, cha chú truyền thụ kinh nghiệm sống cho mình. Tác giả cũng ghi nhận sự đổi mới, trưởng thành của đội ngũ giảng viên nhà trường hiện nay, đặc biệt là tình cảm của mình dành cho các thầy cô như thầy Võ Văn Hết (Mười Minh), thầy Chung Văn Ngưng (Tám Thắng), cô Nguyễn Thị Thảo,…

Hội thảo đã dành một phần thời gian trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan. Mở đầu thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Xe, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối Dân Chính Đảng đã tham gia phát biểu ý kiến, đồng chí cho rằng trong 30 năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho Trường trong quá trình đào tạo. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37000 cán bộ được học tập tại Trường, đội ngũ giảng viên của Trường ngày càng chuẩn hóa theo quy định. Đồng chí cũng đưa ra một số kiến nghị rất đáng quan tâm đó là Trường cần bồi dưỡng lòng kiên định, lập trường cách mạng vững vàng, nâng cao sức đề kháng, tự bảo vệ chống lại tự diễn biến, tự chuyển hóa; kiến nghị Ban Giám hiệu quan tâm hơn đến đổi mới cơ chế, tăng cường thu nhập cho  cán bộ, đảng viên, tăng cường xây dựng khối đoàn kết, tăng cường kiểm tra giám sát.

Hội thảo cũng nghe một số ý kiến tọa đàm xoay quanh các vấn đề chuyên môn, quản lý, phục vụ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ths Võ Minh Hoàng đã đánh giá cao các tham luận và các ý kiến trao đổi thảo luận của các đại biểu quá thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm và cho rằng kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ để Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp ý kiến đưa vào bổ sung, hoàn thiện các đề án xây dựng và phát triển Trường ở những năm tiếp theo./.

các tin khác