Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Đề dẫn Hội thảo khoa học:“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang”

02:44 04/11/2021

Sáng ngày 05 tháng 11 năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phối hợp Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Tỉnh với chủ đề: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập vào giữa thế kỷ XIX; đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã được V.I.Lênin phát triển thành chủ nghĩa Mác- Lênin. Nhìn lại lịch sử, có thể nói, thông qua đấu tranh tư tưởng- lý luận để tự bảo vệ và phát triển là tính quy luật trong sự tồn tại của chủ nghĩa Mác- Lênin. Trong quá trình xây dựng và phát triển học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phải đấu tranh chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình, các quan điểm giáo điều, xét lại. Các ông phê phán quan điểm của phái Hêghen trẻ, của Pruđông, của Đuyrinh, của Látxan và nhiều quan điểm tư sản khác; qua đó trình bày quan điểm chính diện của mình và phát triển, hoàn thiện học thuyết của mình.

Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán những quan điểm cơ hội, xét lại của các nhà lãnh đạo Quốc tế II như Becxtanh, Cauxki..., đã đấu tranh với những quan điểm sai lầm của Plêkhanốp, Bukharin, Tơrốtxki, đã phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với các đại biểu như E.Makhơ, Avênariut... Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn nước Nga, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại, mở ra thời đại mới trong sự phát triển của loài người- thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.

Từ thời C.Mác đến thời V.I.Lênin và đến ngày nay, thế giới trải qua nhiều biến cố thăng trầm, quanh co, phức tạp, song đời sống xã hội vẫn không nằm ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Ngày nay, chủ nghĩa Mác- Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được.

Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chi nam cho hành động. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù dịch. Ở mỗi thời kỳ, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng ta càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này.

Từ năm 1992 đến năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 6 Nghị quyết; 6 Chỉ thị, 3 Kết luận và nhiều hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tính riêng trong Nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương có 9 văn bản liên quan đến công tác này, điển hình nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng (gọi tắt là Chỉ thị 20); Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 23) và Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 35)…

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế toàn cầu, thế giới đa cực, văn hóa đa dạng, chủ nghĩa dân túy trổi dậy, cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các lực lượng thù địch, tổ chức phản động bên ngoài (như Việt Tân, Việt nam phục quốc…), những người suy thoái tư tưởng chính trị, phản bội lại quá khứ trong nước (trong đó có cả cán bộ, đảng viên từng giữ chức vụ trung, cao cấp)… đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn, nội dung rất linh hoạt để chống phá Đảng, Nhà nước ta như: Sử dụng truyền thông đại chúng, xuất bản báo chí, sách, băng đĩa từ nước ngoài chuyển về trong nước, nhất là chuyển phát trên Internet. Tài trợ báo chí nước ngoài để nói xấu Việt Nam (như đài BBC Việt ngữ, RFI…). Sử dụng Internet và truyền thông xã hội để chống phá. Với hình thức gọi là “công trình nghiên cứu”, “kiến nghị”, tin, bài, hình ảnh, video clip, những câu chuyện cười bôi bác… Nội dung phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc thành tựu của các địa phương. Lợi dụng những hạn chế, sai sót trong lãnh đạo, quản lý để thổi phồng, xuyên tạc, chống phá. Lợi dụng, xuyên tạc các vấn đề lịch sử, đòi thay đổi cách nhìn nhận, xét lại lịch sử, “tấn công vào lịch sử bằng cả đại bác, chứ không chỉ bằng súng lục”. Nhất là xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (gần đây là thủ đoạn đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác- Lênin); xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực như: Đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội; phản đối kinh tế thị trường định hướng XHCN; phê phán dân chủ XHCN, ủng hộ dân chủ tư sản; tuyệt đối hóa quyền con người; xuyên tạc cuộc chống tham nhũng của Đảng ta… Tất cả nhằm mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ Việt Nam XHCN.

Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Nghị quyết 35 xác định 6 quan điểm chỉ đạo và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm mục tiêu “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Thực hiện Nghị quyết 35, Tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 90-KH/TU, ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện một cách bày bản.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 35, Tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào thành tựu chung cả nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết 35; đánh giá sâu sắc kết quả thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh An Giang; xác định rõ hơn nội dung, yêu cầu đặt ra và đề xuất các giải pháp đối với các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị và các ngành hữu quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh;

 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh phối hợp với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Ban Tổ chức đã nhận được nhận được 89 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy từ Trung ương đến các địa phương trong và ngoài tỉnh An Giang và đã xét duyệt được 79 bài in Tài liệu hội thảo.

Các tham luận đều được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, mang tính đảng, tính khoa học rất cao, tập trung vào những nội dung chủ yếu, đó là:

1. Những vấn đề lý luận chung về nền tảng tư tưởng của Đảng; quan điểm, chủ trương tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tư duy mới về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Ðảng. 

2. Bối cảnh mới tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Tính tất yếu, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

4. Nhận diện những âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động tấn công vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng.    

5. Quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn tỉnh An Giang. 

6. Kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

7. Thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh An Giang tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

8. Phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh.

9. Vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

10. Đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35 ở An Giang.

Để góp phần làm sâu sắc hơn chủ đề và nội dung Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị quý đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Đánh giá toàn diện, khách quan công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các cấp ủy, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh thời gian qua. Qua đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin chân thành cảm ơn quý đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy từ Trung ương đến các địa phương trong và ngoài tỉnh đã dành nhiều công sức nghiên cứu, viết bài và tham dự Hội thảo hôm nay./.

các tin khác