Trường Chính trị Tôn Đức Thắng Tỉnh An Giang

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Cách mạng Việt Nam

04:46 03/08/2022

Lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng là tấm gương mẫu mực về tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những nhân vật như vậy.

ThS. Dương Thị Bích Thủy

Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc lớp công nhân đầu tiên ở nước ta giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Bằng hoạt động phong phú của mình ở trong nước và phong trào công nhân quốc tế, đồng chí đã kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, góp phần to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng một chiến sĩ cộng sản kiên cường

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong lúc nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, Bác Tôn lớn lên trong cuộc đấu tranh của dân tộc nhằm giành lại độc lập ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 18 tuổi, Bác đã đi vào cuộc đời người thợ. 20 tuổi, Bác tham gia cách mạng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92. Cả cuộc đời Bác là một tấm gương mẫu mực của người cách mạng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc… Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới,…. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu mực đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Cuộc đời Bác Tôn là niềm tự hào của dân tộc, của mọi người dân An Giang. Cùng với những hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ XX, việc đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa Biển Đen đã làm cho mối liên hệ gắn bó giữa Cách mạng Nga và Cách mạng Việt Nam được nối liền, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, mở ra một hướng đi đúng, “hướng của danh dự, hướng của thành công”. Tính từ sự kiện năm 1919 đến khi từ trần năm 1980, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có trên 60 năm cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cách mạng thế giới, xứng đáng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thuỷ chung. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những ghi nhận, đánh giá của bạn bè thế giới.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.

Một gương mẫu đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân

Ngay khi còn ở tuổi thanh niên, với một tấm lòng yêu nước thương dân, căm thù bọn đế quốc xâm lược, Bác Tôn đã sớm bộc lộ lòng yêu thương những con người bất hạnh, cùng khổ. Trong ngục tù đế quốc, hình ảnh “người cặp rằng hầm xay lúa”, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hi sinh, thương yêu những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ. Ở những cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không cần tới danh lợi cho bản thân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng sống thật giản dị, thương đồng chí, thương đồng bào. Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “... Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”. Hay như đồng chí Lê Duẩn, Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập”.

Cùng với Bác Hồ, Bác Tôn đã có công lao to lớn xây dựng nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải bằng lý luận cao xa, mà bằng tấm gương sáng mẫu mực, giản dị, chân thành, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Đó là sự kết tinh những giá trị đạo đức Việt Nam, với tinh hoa đạo đức nhân loại, mà đỉnh cao là đạo đức mácxít. Đạo đức Bác Tôn thể hiện từ đạo đức cách mạng đến đạo đức đời thường, từ việc lớn đến việc nhỏ.

Người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Ở bất kỳ cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nỗ lực phấn đấu quên mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí là hình ảnh tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí hết lòng chăm lo đoàn kết đồng chí, đoàn kết đồng bào, đoàn kết cả dân tộc trong cuộc trường chinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị Cán bộ dân vận Trung ương ngày 15/02/1949, Bác Tôn khẳng định: “Có đoàn kết nội bộ thì việc thi hành phương châm, chính sách mới thống nhất nhịp nhàng. Kinh nghiệm cho ta biết, sở dĩ có những thành tích vẻ vang nhất là nhờ sự đoàn kết nội bộ chặt chẽ, mà đoàn kết nội bộ ở đây không phải là chỉ thống nhất hành động, thống nhất tư tưởng trong việc thực hiện chính sách của Đảng, mà còn phải gây tính luyến ái mật thiết giữa người này, người khác, biết giúp đỡ, yêu mến quý trọng nhau, lo toan cho nhau nữa. Phải tạo cho chúng ta thành một gia đình cộng sản tốt đẹp kiểu mẫu hơn cả gia đình chúng ta ở nhà”. Bác Tôn còn cho rằng phương pháp duy nhất giúp chúng ta đồng tâm nhất trí là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình.

Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình ảnh đồng chí Tôn Đức Thắng sâu đậm về uy tín và đức độ. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội

Đồng chí Tôn Đức Thắng còn là chiến sĩ quốc tế, luôn chăm lo góp phần vun đắp và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cống hiến lớn lao của đồng chí Tôn Đức Thắng cho nền độc lập dân tộc và hoà bình thế giới được bạn bè và nhân dân thế giới khâm phục và kính mến. Năm 1955, đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Lênin Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, xứng đáng là chiến sĩ xuất sắc của phong trào hoà bình thế giới. Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười, đồng chí được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin. Do những cống hiến to lớn của đồng chí với Tổ quốc và nhân dân, năm 1958, đồng chí được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Trên 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có 17 năm ròng bị đày đọa trong các nhà giam và địa ngục trần gian Côn Đảo với đủ mọi cực hình, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học quý báu, cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ta một tấm gương sáng về chuẩn mực của một người yêu nước, một chiến sĩ cộng sản kiên cường. Với cương vị là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Công đoàn và Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng là hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nổi bật với đức tính khiêm tốn và lối sống giản dị. Chính phẩm chất cao quý ấy cùng với lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của dân tộc, hình ảnh Tôn Đức Thắng đã in đậm trong trái tim mọi người Việt Nam yêu nước với sự ngưỡng mộ và kính phục. Đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại lễ truy điệu đồng chí Tôn Đức Thắng đã đánh giá: “Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tuỵ; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị.

 Người có đóng góp to lớn cho phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam

Bác Tôn đã từng sống, hoạt động với tư cách là người công nhân, người đoàn viên và cán bộ công đoàn, là một trong những lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam. Những cống hiến đó của Bác Tôn đã góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo nền tảng, định hướng cho hoạt động công đoàn Việt Nam. Sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, do yêu cầu của cách mạng, Bác Tôn vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam cũng luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa to lớn. Trước hết, đó là tính tổ chức, tính nguyên tắc. Dù làm việc gì cũng phải tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể.

Ghi nhớ công lao xây dựng tổ chức công đoàn của Bác Tôn, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trường Bán công Tôn Đức Thắng, và sau này được Chính phủ quyết định chuyển thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngày nay, Công đoàn Việt Nam hoạt động trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động Việt Nam cần phải không ngừng học tập noi theo tấm gương của Bác Tôn, phấn đấu trở thành công dân tốt, những cán bộ tận tụy, gương mẫu, hết lòng vì dân, vì sự nghiệp cách mạng do Bác Hồ và Bác Tôn đã đặt nền móng gây dựng.

Tóm lại, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Là nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực, Chủ tịch Tôn Đức Thắng mãi mãi để lại cho đời một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức và tác phong. Học tập Bác Tôn, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ công chức ngày nay cần xác định được mục tiêu lý tưởng cho cuộc đời sự nghiệp của mình và cần thiết phải kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng mà mình đã chọn./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (1982), Đồng chí Tôn Đức Thắng người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy An Giang (2018), Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018).

3. Chương trình viết tiểu sử của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Tôn Đức  Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia.

4. Chủ tịch Tôn Đức Thắng lãnh tụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Nxb. Lao động.

5. Phạm Văn Đồng (1988), Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, trong Bác Tôn và chúng ta, Ban khoa học Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.9.

7. Tỉnh ủy An Giang, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2004), Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và quê hương An Giang, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

các tin khác