07:15 06/09/2021
Chiều ngày 09 tháng 9 năm 2021 Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước và tầm nhìn thời đại".
Chúng ta biết rằng, cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam phong kiến độc lập đã biến thành nước thuộc địa nửa phong kiến do sự xâm lược của thực dân Pháp. Một lẽ tự nhiên, sự phản kháng của nhân dân thể hiện qua các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp theo những ngả đường và khuynh hướng khác nhau đã liên tiếp nổ ra, nhưng kết cục đều thất bại, không có đường ra. Điều này thể hiện mâu thuẫn giữa sức sống, tinh thần đấu tranh anh dũng, bền bỉ của dân tộc với sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, sống trong bối cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của Nhân dân. Người quyết định phải tìm ra con đường mới nhằm đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước, cứu dân. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.
Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân. Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.
Năm 1917, có một sự kiện rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử loài người: Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, đưa học thuyết cách mạng của C.Mác từ sách vở trở thành hiện thực đầu tiên, đưa cách mạng thế giới bước sang thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Cũng thời gian đó, Hồ Chí Minh thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Véc-xây bản “yêu sách của nhân dân An Nam” đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách không được chấp nhận, điều đó bóc trần tính giả dối, lừa bịp của Chủ nghĩa Uyn-xon về quyền dân tộc tự quyết được đưa ra trong thời gian tiến hành Hội nghị Véc-xây. Đây là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc có bước nhận thức mới về quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Lần đầu tiên những quyền lợi cơ bản, chính đáng, thiết thực của nhân dân Việt Nam được nêu ra trong diễn đàn quốc tế. Trong quá trình hoạt động, tư tưởng và lý luận của Nguyễn Ái Quốc đã hướng gần với Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ba năm sau, tại thủ đô Pa-ri đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác - Lênin qua bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Luận cương thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc, Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân. Nhờ những tư tưởng cơ bản của “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin và kinh nghiệm, tri thức hoạt động thực tiễn đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tour tháng 12-1920. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Người. Nguyễn Ái Quốc chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản đấu tranh cho lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam. Bác nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Với việc tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, theo phân tích của GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, "là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam, đây là khởi đầu dẫn tới Thời đại Hồ Chí Minh, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên 30 thế kỷ XX. Bước ngoặt ấy cũng là khởi đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc ta, là dấu mốc điển hình cho sự phát triển thành thục tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh... Sự ra đời của Đảng không chỉ khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam mà còn cho thấy những cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam".
Thực tiễn đã chứng minh, con đường Bác đã chọn “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn - con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội thảo hôm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là dịp để tất cả chúng ta tuyên truyền và khẳng định giá trị, ý nghĩa, tầm vóc to lớn của sự kiện 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Khẳng định tính đúng đắn, khoa học và sáng tạo trong quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh đã xây dựng, qua đó tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của toàn Đảng và toàn dân tộc ta. Hội thảo cũng là dịp chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là hành động thiết thực góp phần tuyên truyền, động viên các cấp, các ngành và Nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XI tỉnh Đảng bộ An Giang đã đề ra, tiếp tục đưa An Giang phát triển vững chắc theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Qua gần 2 tháng triển khai kế hoạch Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhận được 114 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy từ Trung ương đến các địa phương trong và ngoài tỉnh An Giang. Các bài tham luận tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn qua hình trình tìm đường cứu nước của Bác như: những nhân tố tác động đến nhận thức, tình cảm và quyết chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành; những sự kiện, bước ngoặt về nhận thức và hành động trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước; tầm nhìn thời đại, tính thời sự của sự kiện Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước,v.v..
Để góp phần làm sâu sắc hơn chủ đề và nội dung Hội thảo, chúng tôi đề nghị quý vị đại biểu phát huy trí tuệ, tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn nữa những khía cạnh liên quan đến hành trình tìm đường cứu nước và tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bối cảnh lịch sử đất nước, truyền thống yêu nước, truyền thống quê hương, gia đình đã tác động đến nhận thức, tình cảm và quyết chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành; Những sự kiện, bước ngoặt về nhận thức và hoạt động trong hành trình 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển nhằm tìm ra được con đường đúng đắn để cứu nước; Tầm nhìn, tư duy độc lập, sáng tạo của Bác Hồ trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; Tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh trong việc xác định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Ý nghĩa lý luận, thực tiễn, tính thời sự của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; Những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh...
Chúng tôi hy vọng rằng, Hội thảo sẽ làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, khẳng định dấu mốc quan trọng không chỉ với cá nhân Hồ Chí Minh mà đánh dấu sự mở đầu một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc - giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Sự kiện này không chỉ khẳng định tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm ra con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị định hướng cho sự phát triển đất nước trong cả hiện tại và tương lai./.