12:47 29/12/2020
Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2020, Khoa Nhà nước và Pháp luật tổ chức Toạ đàm khoa học cấp Khoa với chủ đề: “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ rộng rãi nhất và triệt để nhất trong lịch sử vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng những mọi người dân đều được hưởng quyền dân chủ, mà nhà nước còn chăm lo nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện thực tế cho mọi người có khả năng thực hiện quyền dân chủ của mình.
Năm 2020 là năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; muốn phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, trước hết, Đảng phải nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ. Trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, trong công tác cán bộ cũng như trong việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cần thể hiện đầy đủ tinh thần phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh kiên quyết với những hiện tượng độc đoán, chuyên quyền cũng như hiện tượng dân chủ hình thức, vô tổ chức, vô kỷ luật, gây mất đoàn kết nội bộ.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của tỉnh. Nhiều năm qua, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan đơn vị luôn phát huy trí tuệ tập thể, phát huy tính dân chủ trong nội bộ đơn vị theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện qui chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thời gian qua Trường đã thực hiện nghiêm túc vấn đề này và đạt được thành tựu nhất định tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị Tỉnh ủy giao.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tọa đàm?
Hiện nay Trường Chính trị Tôn Đức Thắng An Giang đang tích cực phấn đấu, vươn lên xứng đáng là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của tỉnh. Trường phải nâng cao hiệu quả tất cả các khâu hoạt động của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó cần ưu tiên cho đổi mới công tác giảng dạy đạt hiệu quả, chất lượng, tạo được sự hứng thú trong học tập lý luận chính trị cho người học. Muốn làm được tất cả các điều này thì việc đầu tiên phải tạo được sự sáng tạo, trí tuệ, đoàn kết của tập thể đội ngũ đảng viên, giảng viên, viên chức, người lao động thông qua việc nắm rõ và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở từ đó có được sự đồng thuận trong nội bộ đơn vị phát huy quyền làm chủ của cá nhân trong đóng góp xây dựng trường trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học của tỉnh.
Xuất phát từ ý nghĩa trên, hôm nay chúng ta tổ chức tọa đàm về Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
- Làm rõ những vấn đề dân chủ XHCN trong giai đoạn hiện nay.
- Cần xây dựng Luật thực hiện dân chủ cơ sở trong điều kiện hiện nay.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ đến thực tiễn thực hiện dân chủ thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua.
- Thiết chế thanh tra nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nươc và đơn vị sự nghiệp công lập.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở hiện nay.
- Làm rõ thực trạng việc thực hiện dân chủ cơ sở ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
- Khoa Nhà nước và pháp luật thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
- Chỉ ra vai trò giảng viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
- Huyện Tịnh Biên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trên đây là những vấn đề mà tọa đàm cần tập trung thảo luận. Hy vọng, qua tọa đàm những vấn đề lý luận cơ bản về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và những tồn tại, bất cập sẽ được làm sáng tỏ hơn, từ đó, có thể vận dụng tốt vào công tác quản lý của đơn vị và các bài giảng lý luận chính trị nhằm tăng cường tính hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian tới./.